Phần 4.4: Công cuộc kiến thiết trung tâm Thánh Mẫu La Vang – Gia đoạn tái thiết (1975 về sau)
Tháng 05.1975, cha sở Trí Bưu Tôma Lê Văn Cầu cho dời ngôi nhà thờ tôn mà hai năm trước đó ngài đã tái lập tại La Vang Thượng về dựng ngay trước Vương Cung Thánh Đường sập nát.
IV. THỜI KỲ TÁI THIẾT LA VANG (TỪ 1975 VỀ SAU)
A. TÁI THIẾT LA VANG THỜI KHÓ KHĂN VÀ TẾ NHỊ (1975 – 1995)
1. NHÀ THỜ TẠM BẰNG TÔN
Tháng 05.1975, cha sở Trí Bưu Tôma Lê Văn Cầu cho dời ngôi nhà thờ tôn mà hai năm trước đó ngài đã tái lập tại La Vang Thượng về dựng ngay trước Vương Cung Thánh Đường sập nát.
2. NHÀ NGUYỆN, NHÀ CHA SỞ
Cuối năm 1975, bộ đội rút hết khỏi vườn Đức Mẹ, cha sở E. Nguyễn Vinh Gioang cho sửa lại ngôi nhà lầu (nhà cha sở cũ) đã sập nát, dùng tầng trệt làm nhà nguyện. Sau đó mỗi năm làm một ít : phòng cha sở, phòng khách, phòng lưu niệm, phòng nhân viên, rạp che mưa nắng, nhà bếp, nhà vệ sinh…
3. HÀNG RÀO SẮT BAO QUANH ĐÀI ĐỨC MẸ
Trong hoàn cảnh an ninh còn phức tạp, linh đài Đức Mẹ dễ bị xâm phạm. Có kẻ tiểu tâm dọa phá tượng Đức Mẹ nên cha sở cùng giáo dân phải tìm đủ mọi biện pháp canh phòng, thường là thay phiên ngủ tại đài. Để công việc bảo vệ linh đài có hiệu quả và lâu bền, cha sở cho làm hàng rào sắt bao quanh. Hiện nay vẫn còn.
4. HÀNG RÀO CÔNG TRƯỜNG MÂN CÔI
Công trường Mân Côi bị bom đạn cày nát, loang lở như một bãi đất hoang. Đã thế xe cộ ra vào như nơi công cộng khiến công trường càng nham nhở lầy lội hơn, buộc lòng cha sở và giáo dân phải họp nhau rào lại bằng cách hàn những cột điện sắt với nhau để tạm thời ngăn chặn sự phá hoại, bảo vệ công trường được chừng nào hay chừng ấy. 5. TRÁNG XI MĂNG SÂN, ĐƯỜNG, SỬA CHỮA GIẾNG ĐỨC MẸ Đúc xi măng khoảng sân đất gồ ghề trước đài Đức.Mẹ, tráng xi măng nhiều con đường trong vườn Mẹ và sửa chữa lại giếng Đức Mẹ đã bị hư hỏng theo thời gian. Những công việc trên tuy không lớn lao, nhưng thời buổi khó khăn, tài chánh eo hẹp nên phải làm lần hồi trong nhiều năm. 6. CHỈNH TRANG KHUÔN VIÊN VƯỜN ĐỨC MẸ Chỉ riêng công tác vệ sinh, dọn dẹp những đống đổ nát do chiến tranh để lại đã là một gánh nặng. Giáo dân ít, kinh phí không có, bom mìn đe dọa nên mọi việc đều công phu và thận trọng. Vì vậy, chỉnh trang vườn Đức Mẹ là một công việc lâu dài. Linh mục Nguyễn Vinh Gioang cho biết đã khởi sự từ năm 1975 và phải mất gần 20 năm mới xong.
Công trình được thực hiện từng tấc, từng thước. Khi thì làm vào buổi sáng sớm, khi thì làm vào buổi chiều tối. Khi làm được một chút rồi nghỉ, khi phải gián đoạn nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm mới tiếp tục lại được. Đứng ngoài nhìn, đập vào mắt là một khuôn viên không đẹp, không cân đối, lồi lõm, gồ ghề…Nói chung là chẳng xứng đáng gì như lời nhận xét của một số kiến trúc sư đến từ TpHCM. Nhưng họ sẽ nghĩ khác nếu biết rằng khuôn viên vườn Đức Mẹ là công trình tim óc và là chứng từ của một thế hệ Linh mục, nữ tu và anh chị em giáo dân La Vang, Phước Môn, Diên Sanh, Trí Bưu… đã đổ biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt trong một hoàn cảnh đặc biệt đầy “khó khăn và tế nhị”.
B. TÁI THIẾT LA VANG HIỆN NAY
Năm 1995, Linh mục Giuse Dương Đức Toại được bổ nhiệm quản nhiệm Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang. Đó cũng là thời gian đất nước gặt hái được nhiều thắng lợi từ chính sách đổi mới, đẩy lùi chế độ bao cấp đã lỗi thời, theo đó việc sửa chữa, tái thiết cơ sở vật chất tôn giáo không còn là chuyện khó dễ. Nhờ vậy, dưới sự lãnh đạo của Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể, bộ mặt La Vang đã ngày một khởi sắc
1. NHÀ NGUYỆN ĐỨC MẸ
Đó là ngôi nhà nguyện bằng tôn, hơi thấp và nóng, được dựng ngay trên nền cũ Vương Cung Thánh Đường, sau tháp cổ. Dù vậy, nhà nguyện vẫn là nơi thu hút khách hành hương bởi lẽ ở đây có đặt bàn thờ Đức Mẹ với pho tượng THÁNH MẪU LA VANG.
TƯỢNG THÁNH MẪU LA VANG
Nhân dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, trong cuộc họp ngày 24.02.1998 tại Hà Nội, ban thường vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã quyết định chọn pho tượng THÁNH MẪU LA VANG của họa sĩ kiêm điêu khắc gia Văn Nhân, thực hiện tại Hoa Kỳ, làm mẫu tượng chính thức thay mẫu tượng cũ ĐỨC MẸ LA VANG NỮ VƯƠNG CHIẾN THẮNG. Ý nghĩa pho tượng mới được giải thích như sau: “Đức Mẹ từ ái vận trang phục hoàng hậu, áo trong trắng ngà, áo ngoài xanh thiên thanh viền vàng, tương ứng với đôi hài màu vàng nhạt. Vương miện diễn tả Đức Maria vùa là Người Mẹ nhân từ vừa là Nữ Vương uy linh. Mẹ bồng Chúa Giêsu Hài Đồng trên tay, đầu Mẹ hơi ngả về phía Con, người Con hơi nghiêng về phía Mẹ diễn tả hai Mẹ Con tâm đầu ý hợp đoái nhìn xuống đoàn con dưới thế. Chúa Giêsu Hài Đồng uy nghi trong bộ áo màu hồng, trước ngực có vòng tròn vàng lồng trong hai chữ ALPHA và OMÊGA (Ta là khởi thuỷ và là tận cùng).
Trong tư thế của Chúa Tình Thương tuyệt hảo, tay trái Chúa chỉ lên Thánh Tâm đầy thương xót của Người. Vì Mẹ La Vang đã nhận lời nên Chúa đưa tay ban phép lành cho con cái Việt NaM và những ai tín thác nơi Người.” Còn bức tượng Thánh Mẫu La Vang cùng kiểu dáng nhưng kích thước lớn hơn được đặt tại linh đài là do Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dâng kính. Bức tượng này, trong Đại Hội La Vang 26 được thay thế bằng một bức có kích thước tương tự, do họa sĩ điêu khắc gia Văn Nhân sáng tác với khuôn mặt hiền hậu hơn, khăn đóng nhỏ hơn, sậm hơn, không nếp gấp, có đính 12 ngôi sao. Bức tượng cũ hiện được cất giữ ở tu viện MTG La Vang.
2. CÔNG TRƯỜNG MÂN CÔI
Đã được tái thiết hầu như nguyên trạng ban đầu với thành rào bao quanh, sân cỏ, trồng cây, đèn cao áp, lối đi cũng là lộ trình kiệu được lát gạch chạy thẳng từ cổng tam quan đến lễ đài. Các pho tượng mười lăm mầu nhiệm Mân Côi đã được phục hồi nhưng không làm theo nghệ thuật hiện thực kiểu cũ mà làm theo cách điệu trừu tượng kiểu mới.
3. LỄ ĐÀI
Hình ảnh thu nhỏ đàn tế Nam Giao ở Huế với nền vuông (dưới) tượng trưng cho đất và nền tròn (trên) tượng trưng cho trời. Từ hai nền đất vuông tròn hòa hợp ấy vươn lên tám chiếc lọng vàng (thấp), xanh (cao) theo hình tứ trụ. Một chiếc độc lập, cao hẳn trấn thủ đỉnh đài, tạo cảm giác đường bệ uy nghi. Lễ đài vừa là nơi cử hành các thánh lễ đồng tế, vừa dùng làm sân khấu cho những đêm diễn nguyện trong các kỳ đại lễ, đại hội.
4. NHÀ TRUYỀN THỐNG
Một ngôi nhà trệt khang trang kiểu trường học lợp ngói, nhiều phòng. Mỗi phòng đều là nơi chứa các loại sách báo, tượng ảnh, hình ảnh, tranh về, kỷ vật, vật dụng… liên quan đến lịch sử Đức Mẹ La Vang. Tư liệu trong nhà truyền thống tuy chưa phải là nhiều, chưa thật là quý, nhưng cái đáng quý là ý thức bảo tồn di sản lịch sử bi hùng hơn hai trăm năm Đức Mẹ La Vang của các bậc trách nhiệm.
5. QUẢNG TRƯỜNG THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
Lùi về phía sau nhà nguyện một quãng, Quảng trường Thánh Tâm được tái hiện gần như nguyện bản bốn mươi năm về trước, trên vị trí cũ. Khác chăng là bàn thờ dưới chân tượng đài thay vì bằng đá cẩm thạch, nay là tấm bê tông lát gạch men trắng.
6. DI TÍCH THÁP CỔ
Như đã nói, chiến cuộc Mùa Hè 1972 và sau đó cơn bão 1985 đã làm sập đổ hoàn toàn Vương Cung Thánh Đường, chỉ còn lại tháp chuông loang lở. Qua 30 năm mưa nắng, tháp cổ đã xuống cấp, chỉ cần một cơn giông gió, nguy cơ sụp đổ là không tránh khỏi. Vì vậy cha quản nhiệm Giuse Dương Đức Toại đã cho gia cố, duy tu để bảo tồn một di tích lịch sử độc đáo tại La Vang.
7. NHÀ TRUNG TÂM
Được cải tạo từ nhà nguyện thời cha Gioang. Tuy vẫn giữ kết cấu nhà lầu một tầng nhưng chia nhỏ tuỳ vào công năng sử dụng. Tầng trệt dùng làm văn phòng, phòng tiếp khách. Tầng trên dùng làm phòng lưu trú cho các cha khi đến tĩnh tâm, đồng tế, điều hành chương mục trong các ngày lễ lớn.
8. NHÀ NGUYỆN THÁNH THỂ
Từ trước đến nay Thánh Thể được đặt trong nhà nguyện Đức Mẹ. Năm 2002, nhà nguyện Thánh Thể được khởi công xây dựng tại địa điểm phía sau nhà nguyện Đức Mẹ. Ngày 14.06.2002, Đức cha Têphanô chủ sự nghi thức mở cửa và rước MTC từ nhà nguyện Đức Mẹ sang nhà nguyện Thánh Thể. “Thế là niềm mong ước của chúng con từ bao lâu hôm nay được thực hiện. Chúng con được ngắm MTC hằng ngày, tại thánh địa La Vang, trong nhà nguyện Thánh Thể này… Tuy đây chỉ là một nhà nguyện đơn hèn, nhưng chúng con tin Chúa chỉ nhìn vào tâm hồn chúng con, Chúa chỉ muốn những tâm hồn biết cầu nguyện, những tâm hồn sống trong sạch, sống thánh thiện…”
9. NHÀ HÀNH HƯƠNG
Trong mấy năm gần đây, hai căn nhà tạm thời được đưa vào sử dụng cho khách lưu trú là NHÀ KHÁCH SỐ 1 (dành cho khách đặc biệt) và NHÀ KHÁCH SỐ 2 (dành cho giáo dân). Cả hai căn nhà này đều quá nhỏ so với số người hành hương viếng Mẹ ngày một đông. Ngày 01.05.2004 Đức TGM Huế đã chủ sự nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng NHÀ HÀNH HƯƠNG. Nhà Hành Hương với đồ án 4150 m2, gồm 50 phòng cá nhân, nhiều phòng tập thể, nhà nguyện, phòng sinh hoạt, nhà ăn… Sẽ đưa vào sử dụng vào dịp Đại Hội La Vang 27 (tháng 08.2005).
10. NHỮNG CÔNG TRÌNH KHÁC
Trạm y tế, quầy hàng lưu niệm, hệ thống đường sá, điện nước, nhà vệ sinh… và một khung cảnh vườn Mẹ đang ngày một phong quang xanh tốt. Nhìn chung, công cuộc tái thiết hiện nay là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, với những gì đã làm chỉ là tạm thời đáp ứng nhu cầu hành hương của con cái Mẹ đến từ khắp nơi, trong và ngoài nước. Công việc trước mặt còn quá nhiều và quá nặng nề, cần thiết có sự tiếp sức của nhiều người, nhiều giới, nhiều đoàn thể, tổ chức… như lời cha quản nhiệm Giuse Dương Đức Toại đã nói: “Còn khá nhiều, mà là những công trình tương đối lớn. Chẳng hạn như khu đồi Calvê, khu nhà Đại Chúng, nhà Tĩnh Tâm… Không thể ngày một ngày hai mà làm hết được. Phải cần có nhiều thời gian và sự tiếp sức của nhiều người…”[20] Mọi người có quyền hy vọng và hy vọng sớm về một La Vang thành đô rực rỡ, một Vương Cung Thánh Đường tráng lệ, xứng tầm với danh tiếng Đức Mẹ La Vang mà giới hạn đã vượt quá Giáo hội Việt Nam đến với Giáo hội toàn cầu.
Xem tiếp:
Công cuộc kiến thiết Trung tâm thánh mẫu La Vang
– Phần 1: Thời kỳ sơ khai
– Phần 2: Thời kỳ 1894- 1960
– Phần 3: Thời kỳ 1961 – 1974
– Phần 4: Thời kỳ 1975 đến nay
{loadposition adslogo}
Video: Toàn cảnh trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang:
Hỗ trợ thông tin, tư vấn thuê xe, lư trú hành hương viếng Mẹ Miền Trung (Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Sao Biển, Đức Mẹ Trà Kiệu) & du lịch miền trung.
Điện thoại: 0233.3.708090 (7h00 – 21h00 hằng ngày)
Hotline: 0945.313.989
Email: [email protected]
Tour hành hương, du lịch miền trung & Thuê xe: https://lavangtravel.com