Phần 4.1: Công cuộc kiến thiết trung tâm Thánh Mẫu La Vang – Thời kỳ sơ khai

 

Không có căn cứ để xác định ngôi nhà thờ tranh La Vang đầu tiên được thành lập từ năm nào. Có điều chắc chắn, cho đến cuối thế kỷ 19, những ngôi nhà thờ tại La Vang chỉ là những nhà tranh vách đất, một kiểu nhà nghèo thường thấy ở nông thôn miền Trung. Tuy nhiên, dựa vào những nét chấm phá của lịch sử La Vang thế kỷ 19, có thể nhận dạng những ngôi nhà thờ tranh La Vang vào thời kỳ sơ khai.

I. THỜI KỲ SƠ KHAI (1798 – 1894)

Không có căn cứ để xác định ngôi nhà thờ tranh La Vang đầu tiên được thành lập từ năm nào. Có điều chắc chắn, cho đến cuối thế kỷ 19, những ngôi nhà thờ tại La Vang chỉ là những nhà tranh vách đất, một kiểu nhà nghèo thường thấy ở nông thôn miền Trung. Tuy nhiên, dựa vào những nét chấm phá của lịch sử La Vang thế kỷ 19, có thể nhận dạng những ngôi nhà thờ tranh La Vang vào thời kỳ sơ khai.

 1. NGÔI NHÀ THỜ TRANH LA VANG ĐẦU TlÊN TỪ NGÔI CHÙA

Năm 1801, Nguyễn Ánh phục quốc, nhà Tây Sơn bị diệt vong, hết bắt đạo. Giáo dân hồi hương về làng cũ. La Vang trở lại cảnh rừng thiêng hoang dã, ít người lui tới ngoại trừ những nông phu đi làm rú.

Người xưa kể rằng những lương dân đi làm rú thường hay đến van vái tại gốc cây đa cổ thụ, nơi tương truyền có bà linh thiêng hiện ra mà họ nghi vấn biết đâu đó không phải là Đức Bà  của bên đạo mà là bà tiên, bà thánh của bên lương? Nghĩ thế họ liền đắp lên một nền thờ vọng và rào sơ tứ phía.

“Bên lương chức dịch nhộn nhàng

 Đắp nền thờ vọng rào hàng sơ li”

Đầu thời Minh Mạng, khoảng năm 1820, lương dân ba làng Thạch Hãn, Cổ Thành và Ba Trừ chung nhau làm một ngôi chùa tranh trên nền thờ vọng ấy. Nhưng vừa làm xong các vị chức sắc cả ba làng, ứng nghiệm điềm chiêm bao, biết đây là nơi ngự của Đức Bà bên đạo, liền đồng thuận nhượng cúng ngôi chùa cho người công giáo.

“Cùng nhau bàn bạc rộn ràng

 Chùa này để cúng về đàng đạo nhơn”

Nhận đất và ngôi chùa nhượng cúng, những người công giáo về trình lại sự việc cho cha sở và theo sự sắp đặt của ngài, ngôi chùa tranh đã được sửa đổi thành ngôi nhà thờ tranh. Và đó là ngôi nhà thờ tranh đầu tiên tại La Vang .

Ngôi nhà thờ tranh này tồn tại được bao lâu thì chưa đủ cứ liệu để khẳng định. Có điều chắc chắn rằng trong 29 năm (1833 – 1862) bắt đạo ác liệt thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức thì ngôi nhà thờ tranh này cũng như số phận tất cả những ngôi nhà thờ trên toàn lãnh thổ Việt Nam khó lòng tồn tại.

2. NGÔI NHÀ THỜ TRANH THỨ HAI

Sau hòa ước Nhâm Tuất 1862, vua Tự Đức ban hành chỉ dụ tha tháp, việc đạo được bình yên. Đức cha Sohier Bình sau chuyến công du châu Âu trở về dự định mở mang thánh địa La Vang, nhưng bất thành vì việc sang nhượng đất La Vang không có kết quả. Đức cha chuyển hướng đưa công trình vào Ba Trục (Thanh Tân). La Vang mất cơ hội.

Tuy nhiên, trước đó đã có những cuộc hành hương băng rừng vượt núi vào La Vang kính viếng Đức Mẹ do giáo xứ Cổ Vưu tổ chức. Bắt đầu từ Mùa Chay năm 1864, trùm hạt PX LêThiện Thìn, một tù nhân mới được tha về từ trại phân tháp, lãnh ý cha sở tập trung khoảng 30 giáo dân Cổ Vưu tổ chức hành hương La Vang. Họ khởi hành từ Cổ Vưu vào lúc rạng sáng, vừa cung nghênh tượng Mẹ, vừa cầm gậy gộc, giáo mác, đánh phèng la, khua chiêng khua trống đề phòng thú dữ, vạch lá rừng mà đi.

Những cuộc hành hương như thế diễn ra hằng năm và số giáo dân tham dự càng lúc càng đông biến cuộc hành hương La Vang cấp giáo xứ (Cổ Vưu) thành giáo hạt (Dinh Cát)[3]

Thiết nghĩ trong những lần hành hương như thế há lại không có chỗ dừng chân, đặt tượng Mẹ, hội họp đọc kinh và cử hành các nghi thức phụng vụ? Vả lại bấy giờ là thời bình yên, việc đạo được tự do, La Vang đã là một họ nhánh thuộc giáo xứ Cổ Vưu, không có gì khó khăn cho việc tái lập một nhà thờ tranh trên nền cũ .

Ngôi nhà thờ tranh La Vang thứ hai tất yếu phải được xây dựng vào thời kỳ này, được tu bổ theo năm tháng và tồn tại trong khoảng 20 năm, cho đến ngày bị thằng Thơ đốt vào dịp Văn Thân cực đoan thảm sát giáo phận Huế (1885).

+ CHUYỆN THẰNG THƠ ĐỐT NHÀ THỜ LA VANG

Sau khi thiêu sát họ Cổ Vưu vào ngày 07.09.1885 xong, hôm sau, ngày 08.09.1885 quân Văn Thân kéo nhau vào phường La Vang. Chúng thấy cảnh vườn không nhà trống vì giáo dân La Vang đã hoảng sợ chạy lên núi cả, bèn vơ vét của cải, đốt nhà cửa, bắt trâu bò, chỉ chừa lại ngôi nhà thờ tranh vì nghe tiếng Đức Bà linh thiêng không dám đốt. Xong việc chúng kéo nhau đi.

Trưa ngày 09.09.1885, một người lương ngụ ở làng Phú Long, xóm Bốc, tên là Thơ, con ông Mẹo lảng vảng đến La Vang với ý định hôi của, nhưng thấy tất cả nhà cửa người công giáo nơi đây đã thành đống tro tàn chẳng còn gì để kiếm chác. Sực thấy ngôi nhà thờ tranh La Vang vẫn đứng yên như chọc tức nó, sẵn ác cảm với đạo, nó châm lửa đốt luôn.

Ngay hôm ấy quân Văn Thân thấy La Vang có lửa cháy nghi có chuyện gì chăng bèn rủ nhau trở lại La Vang dò xem động tĩnh. Chúng hỏi thăm biết thằng Thơ đã cả gan làm một việc mà chúng không dám làm: đốt nhà thờ La Vang! Tức giận chúng kéo nhau tới nhà ông Mẹo chưởi bới rồi phóng hỏa đốt cả nhà trên nhà dưới. Ông Mẹo, thằng Thơ và vợ con nó đều làm mồi cho ngọn lửa.

+ HlẾN LỄ TOÀN THIÊU TẠI NỀN NHÀ THỜ LA VANG

Trong cuộc thảm sát tại giáo xứ Cổ Vưu, một số giáo dân may mắn thoát được trốn lên La Vang, vào rừng sâu lánh nạn. Lâu ngày đói khát lần mò trở lại nhà dân xin khoai sắn. Bỗng nghe tiếng kèn tây từ Quảng Trị vọng lên. Họ rủ nhau về hướng ấy thì gặp cha Allys (cố Lý – sau là Giám mục), được ngài cho ăn uống.

Biết tỉnh thành đã bình yên nhiều người trong họ trở lên La Vang tìm báo cho thân nhân bạn bè kêu ai về nhà nấy. Không ngờ, một vài nơi dư đảng Văn Thân còn say máu, lẩn quẩn quanh khu vực La Vang chờ chém giết. Một toán 30 giáo dân Cổ Vưu bị bắt khi vừa rời khỏi bìa rừng. Ông Thoàn xin cho cả toán được chết trên nền nhà thờ La Vang vừa bị thằng Thơ đốt. Quân Văn Thân trói ông Thoàn và 29 giáo dân lại thành chùm chất củi hỏa thiêu. Xa xa vẳng tiếng kèn Tây thắng trận.

3. NGÔI NHÀ THỜ TRANH THỨ BA

Hết thảm họa Văn Thân tình hình xứ Dinh Cát trở lại bình yên, giáo dân La Vang bỏ rừng núi trở về tái lập nhà cửa, ổn định cuộc sống. Không ai khỏi chạnh lòng khi chứng kiến ngôi nhà thờ tranh nhỏ bé thân thương, nơi sớm hôm có bóng Mẹ từ bi, nay chỉ còn nền hoang. Họ tập trung đi rừng đốn gỗ, bứt tranh,  chặt tre làm lại ngôi nhà thờ khác trên nền nhà thờ cũ đã bị đốt trong biến cố Văn Thân.

Ngôi nhà thờ tranh La Vang thứ ba ra đời ngoài ý nghĩa lưu dấu nơi Đức Mẹ đã đứng khi hiện ra còn là nơi minh chứng máu đào đức tin của con cái Mẹ đã đổ xuống.

Trong BÁO CÁO NĂM 1894 cha sở Cổ Vưu kiêm quản hạt Quảng Trị Patinier Kinh cho biết: “Năm 1885 ngôi nhà thờ ở đây cũng như những nhà thờ khác trong hạt, không thoát khỏi thảm họa… Khi hoà bình vừa vãn hồi, con đã cấp tốc dựng lại ngôi nhà thờ nhỏ bé, tạm bợ để chờ nguồn kinh phí cũng như để chờ cho tình hình bớt nhiễu nhương…”[6]

Nhà thờ tranh thứ ba tồn tại được bao lâu? Điều này lệ thuộc vào việc khởi công ngôi nhà thờ ngói được xây trên nền nhà thờ tranh. Nhưng nhà thờ ngói được khởi công năm nào?

Trở lại BÁO CÁO NĂM 1894, cha Patinier Kinh cho biết: ” Vừa trở về, con đã kêu gọi tất cả giáo dân thiện chí giúp vận chuyển số gỗ xây dựng lên núi. Vào ngày đã định, giáo dân trong phạm vi sáu dặm tập trung đông đủ, chia nhau vác gỗ và chỉ trong hai chuyến toàn bộ gỗ đã được tập kết tại La Vang… Hôm sau bộ giàn trò được dựng lên, giờ thì chỉ còn lo việc hoàn thành nhà thờ.”[7]

Vậy ngôi nhà thờ tranh La Vang thứ ba chỉ tồn tại khoảng 9 năm, từ cuối năm 1885 dấn năm 1894.

Xem tiếp: 

Công cuộc kiến thiết Trung tâm thánh mẫu La Vang

– Phần 1: Thời kỳ sơ khai

– Phần 2: Thời kỳ 1894- 1960

– Phần 3: Thời kỳ 1961 – 1974

– Phần 4: Thời kỳ 1975 đến nay


{loadposition adslogo}


Video: Toàn cảnh trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang:


 


Hỗ trợ thông tin, tư vấn thuê xe, lư trú hành hương viếng Mẹ Miền Trung (Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Sao Biển, Đức Mẹ Trà Kiệu) & du lịch miền trung.

LAVANG TRAVEL

Điện thoại: 0233.3.708090 (7h00 – 21h00 hằng ngày)

Hotline: 0945.313.989

Email: [email protected]

Tour hành hương, du lịch miền trung & Thuê xe: https://lavangtravel.com